Categories WordPress

Plugin Ad Inserter: chèn mã tùy chỉnh vào hàng loạt bài viết trong WordPress

Ad Inserter

Plugin Ad Inserter như tên gọi – vốn có mục đích để chèn các mã quảng cáo như kiểu Adsense vào bài viết. Tôi rất ấn tượng với nó, vì plugin có chất lượng thực sự rất cao. Đến cuối năm 2017, thống kê cho thấy đã có hơn 90 ngàn lượt cài đặt với hầu hết đánh giá xấp xỉ 5 sao (cụ thể có gần 97% người tham gia đánh giá xếp hạng chất lượng cao nhất).

Khi chưa biết đến Ad Inserter, tôi phải chèn các mã tùy chỉnh thủ công (tôi cũng dùng để quảng cáo bao gồm cả Adsense và các hình thức quảng cáo khác), điều này sẽ không có vấn đề gì nếu có ít bài viết. Tuy nhiên khi số lượng bài lên đến 300, hãy tưởng tượng mỗi lần phải chỉnh sửa, tôi phải vào từng bài để sửa lại từng đoạn code một. Ad Inserter giúp ta tránh phải làm việc đó, bằng cách chỉnh sửa nội dung nguồn rồi từ đó tự động sửa lại hàng loạt bài, ngoài ra nó còn mở rộng sức mạnh bằng các lựa chọn kết hợp mà nếu phải làm thủ công sẽ cực kỳ vất vả, cũng như dễ nhầm lẫn.

Ưu điểm của Ad Inserter:

  • Đa dạng các phương thức chèn tự động (khu vực Automatic Insertion): từ chèn trước nội dung, trong nội dung (có tùy chỉnh sau số lượng đoạn nhất định, chẳng hạn sau 3 đoạn thì chèn mã), sau nội dung, trước comment, giữa comment, sau comment, chèn ở chân trang…
  • Đa dạng trong việc khống chế giới hạn đoạn mã hiển thị, từ việc chọn theo thư mục (categories), nhãn (tags), ID bài viết (post ID), địa chỉ URL, IP, quốc gia…Với white list là danh sách cho phép hiển thị và black list là danh sách cấm hiển thị. Để thực hiện được các thao tác này cần nhấn vào nút Lists.
  • Chèn thủ công nếu muốn (chọn nút Manual). Nhưng thủ công ở đây vẫn khác với thủ công mà phần trên có nói. Thủ công trong Ad Inserter là nó sẽ cho bạn mã đại diện cho cụm code bạn vừa nhập, như kiểu thế này: adinserter block=”1″, bạn muốn đoạn code có mặt ở đâu thì đưa mã đại diện ra ở đó. Và cập nhật mã đại diện cũng dẫn đến cập nhật toàn bộ các bài có mã đại diện đó.
  • Cho phép lựa chọn thiết bị (nhấn vào nút Devices), gồm máy tính để bàn, máy tính bảng và điện thoại di động với 2 tùy chọn nhận dạng phía máy khách [client-side] hoặc phía máy chủ [server-side]. Nếu bạn muốn giảm tải cho hosting hãy để nhận dạng phía máy khách (tức là máy tính của người dùng).
  • Không có sự khác biệt nhiều về chất lượng giữa bản miễn phí và bản pro (ngoài chuyện bản pro có thêm thống kê click vào quảng cáo và tải các cài đặt xuống). Sự khác biệt chủ yếu nằm ở số lượng khối code. Bản có phí có đến 64 khối code, trong khi bản miễn phí chỉ có 16 khối code. Bạn nào muốn mua bản pro thì truy cập vào trang này: https://adinserter.pro/, nó có giá 20 đô-la Mỹ, dùng được cho 2 trang, thực sự là đáng đồng tiền bát gạo.
  • Còn một vài tính năng nữa tôi chưa dùng đến nên cũng không rõ.

Có nhận xét thêm là Ad Inserter hoạt động ổn định, từ khi dùng tôi chưa thấy nó bị lỗi lần nào. Điều may mắn có chủ ý của người thiết kế plugin này: nếu bạn chuyển từ bản miễn phí sang bản có phí, các khối code cũ cũng được chuyển tự động sang bản có phí (tuy nhiên để phòng thủ bạn cứ sao lưu các khối code nếu có ý định chuyển sang bản pro).

Back to Top