Categories WordPress

Sự khác nhau giữa Post và Page trong WordPress

Post và Page trong WordPress, giống và khác nhau thế nào

Mặc định WordPress có hai kiểu nội dung là post và page. Những người mới làm quen với WordPress thường lẫn lộn giữa hai kiểu nội dung này.

Bạn có thể bất chợt tự hỏi có điểm gì khác nhau giữa chúng, vì trông chúng rất giống nhau mà. Tại sao bạn lại phải cần cả hai? Khi nào bạn nên sử dụng post? Khi nào bạn nên sử dụng page?

Ở bài viết tôi sẽ giải thích cho các bạn sự khác nhau giữa post và page trong WordPress.


1. Vị trí trong Dashboard

WordPress tách biệt vị trí tạo mới cũng như quản lý post và page trong WordPress.

Cụ thể đây là vị trí tạo mới của từng cái:

vị trí tạo mới post và page

Còn đây là vị trí quản lý của từng cái:

vị trí quản lý post và page trong WordPress

2. Sử dụng trong thực tế

Bạn sẽ thấy là thực tế bạn dùng các bài post nhiều hơn, có thể là hàng trăm, ngàn trang post. Nhưng một website thông thường chỉ có tầm 10 trang page mà thôi.

Như bài viết bạn đang đọc đây là ở dạng post, chỉ có một số trang đặc thù mới ở dạng page, thí dụ trang chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng hoặc tuyên bố từ chối trách nhiệm.

Một minh họa dễ hiểu hơn thì post giống như các bộ áo quần thường dùng nhất của bạn, còn page giống như trang phục mà bạn chỉ dùng trong các dịp rất quan trọng như đi đám cưới chẳng hạn.


3. Cấu trúc khác nhau

Các bài post sử dụng cấu trúc chuyên mục (categories) và thẻ (tags) để sắp xếp bài viết, trong khi các bài page không sử cấu trúc này.

Khi bạn ở giao diện biên tập của post, bạn sẽ thấy cấu trúc categories và tags:

cấu trúc thư mục và thẻ

Page sử dụng cấu trúc cha con (parent) và thứ tự để sắp xếp (order). Khi ở giao diện biên tập trang page bạn sẽ thấy cấu trúc này:

cấu trúc trang page

Một trang page có thể là một trang con của trang page khác, thí dụ trang page Hướng dẫn sử dụng WordPress dành riêng cho người mới có thể nằm trong trang page Hướng dẫn toàn diện về cách sử dụng WordPress.

Bạn chỉ định một trang là trang cha của trang page đang biên tập bằng cách điều chỉnh ở khu vực Parent.

Còn tùy chỉnh ở Order dùng để điều chỉnh thứ tự của các trang, nếu không theo mặc định nó sẽ sắp xếp theo thứ tự ABC:

các bài page sắp xếp theo thứ tự ABC

Riêng với các bài post thứ tự của nó được sắp xếp theo thứ tự thời gian đảo ngược, các bài post mới nhất sẽ sắp xếp ở vị trí đầu tiên. Bài viết càng cũ thì càng ở sâu bên dưới (ngày tháng đăng bài ở phần ghi là Đã đăng):

các bài post sắp xếp theo thứ tự thời gian

4. Đường dẫn tĩnh (URL) mặc định khác nhau

Theo mặc định các bài post sẽ có cấu trúc ngày tháng năm hoặc thư mục như thế này:

  • ducanhplus.com//2016/08/nha-gia-kim-thoi-thi-ai-cung-dau-dau-uoc-mo/
  • ducanhplus.com/tam-su/nha-gia-kim-thoi-thi-ai-cung-dau-dau-uoc-mo/

Còn các bài page sẽ có cấu trúc đường dẫn tĩnh mặc định như sau:

  • ducanhplus.com/blog-web/

Lưu ý khác là cấu trúc đường dẫn tĩnh của post có thể thay đổi theo ý muốn được (kể cả để cho nó giống với cấu trúc của page), nhưng cấu trúc URL của page thì không thay đổi được.


5. Các yếu tố kỹ thuật khác

  • Nếu có các nút chia sẻ mạng xã hội, các nút ấy sẽ xuất hiện ở bài dạng post mà thường không có ở bài dạng page
  • Post có thể được đưa vào RSS, page thì không
  • Page có thể tùy chỉnh mẫu template, trong khi post thì không

6. Một số câu hỏi?

Tôi có thể tạo được tối đa bao nhiêu bài Post và Page?

Bạn hoàn toàn thoải mái trong việc tạo các bài post và page. Không có giới hạn nào về số lượng các bài post và page mà bạn có thể tạo.

Sử dụng Post hay Page thì có lợi cho SEO hơn?

Máy tìm kiếm thích các nội dung được tổ chức, sắp xếp. Nói chung các nội dung không phụ thuộc thời gian (page) thường được xem là quan trọng hơn, tuy nhiên cũng có rất nhiều ưu tiên cho các nội dung mới nhất, cập nhật nhất (post). Nói ngắn gọn, có thể có sự khác biệt giữa chúng, nhưng là người mới bạn không cần lo lắng về điều này. Hãy tập trung vào việc làm cho website của bạn được cấu trúc tốt cho người truy cập.

P/S: một số nội dung được mình tham khảo từ trang tiếng Anh WPbeginner.

Bài tiếp theo: Cách tạo mục lục cho bài viết trong WordPress.

Back to Top